NÊN SỬ DỤNG MỘT VECTOR HAY MỘT RASTER ĐỂ IN ẤN?

Vector và Raster là hai khái niệm chắc hẳn không còn xa lạ với những ai nghiên cứu về lĩnh vực thiết kế đồ hoạ bởi đây chính là hai kiểu lưu trữ dữ liệu đồ hoạ và hình ảnh phổ biến nhất. Tuy nhiên, để có một cái nhìn tổng quan hơn về hai định dạng này cũng như phân biệt cách sử dụng của chúng trong in ấn, hãy cùng Khai Chấn tìm hiểu qua bài viết sau đây. 

1/ Khái niệm của Vector và Raster

Hình ảnh Vector là một thiết kế đồ hoạ kỹ thuật số được tạo ra bởi 3 thành phần chính là điểm, đường và đa giác dựa trên các công thức toán học. Các điểm được kết nối với nhau bằng đường nét, các đường nét khi được kết hợp kín lại sẽ tạo thành những đa giác, lúc này người thiết kế có thể đổ màu vào đa giác đó để tạo ra một thiết kế hoàn chỉnh. Các điểm của vector tuy vô hình nhưng người thiết kế có thể sử dụng các công cụ đồ hoạ để chỉnh sửa hình dáng của các đường nối điểm thành đường cong, thẳng… tuỳ ý. 

Phần mềm phổ biến nhất để sử dụng đồ họa Vector là Illustrator. Với các điểm được tạo ra không giới hạn dựa trên công thức toán học, bạn hoàn toàn có thể thay đổi hình dáng và kích thước của hình ảnh Vector thoải mái mà không sợ chất lượng hình ảnh bị thay đổi. 

Raster lại là một cấu trúc dữ liệu được tạo ra bởi một mạng lưới hình chữ nhật bao gồm nhiều pixel, mỗi pixel là một ô vuông được cấu tạo bởi ram màu RGB (đỏ, lục, lam). Chúng ta có thể hình dung một hình ảnh Raster khi được nhìn gần sẽ gồm rất nhiều chấm vuông nhỏ, nhìn ra xa sẽ là một bức tranh hoàn hảo. 

Phần mềm phổ biến nhất để sử dụng đồ họa Raster là Photoshop. Khi người thiết kế thêm vào một yếu tố đồ hoạ, các pixel sẽ được thêm vào dọc theo nét cọ vẽ. Mạng lưới Raster được đo bằng inch, chất lượng của một bức ảnh Raster tỉ lệ thuận với số lượng pixel có trong một inch đó (pixel-per-inch), hình ảnh của bạn sẽ càng nét khi số lượng pixel càng cao. 

(ảnh: nhatnguyends.com)

2/ Ưu điểm – Nhược điểm của Vector

Ưu điểm: 

  • Không bị giảm chất lượng hình ảnh khi thay đổi kích thước, hình dáng. 
  • Tạo ra những đường nét cong, thẳng tuyệt đối, thích hợp với kiểu thiết kế gọn gàng. 
  • Dung lượng thấp hơn so với Raster. 

Nhược điểm: 

  • Đồ hoạ Vector chỉ thích hợp với thiết kế dạng phẳng vì không tạo ra được các hiệu ứng đổ bóng hay tổ hợp màu gradient đẹp mắt. 
  • Các nét vẽ của Vector không tự nhiên như nét vẽ tay. 

3/ Ưu điểm – Nhược điểm của Raster

Ưu điểm: 

  • Tạo hiệu ứng đổ bóng và chuyển đổi màu sắc linh hoạt. 
  • Vì được tạo thành từ rất nhiều pixel nên đồ hoạ Raster có thể hiển thị vô vàn màu sắc trong một bức ảnh, đồng thời cho phép chỉnh sửa màu sắc chính xác hơn.
  • Có thể chỉnh sửa dễ dàng trên Photoshop hoặc Microsoft Paint. 

Nhược điểm: 

  • Dung lượng ảnh lớn hơn Vector. 
  • Chất lượng ảnh sẽ bị giảm khi thay đổi kích thước.
(ảnh: ictgo.vn)

4/ Sự khác nhau giữa Vector và Raster

4.1/ Độ phân giải

Vì lượng pixel trong ảnh Raster là cố định nên khi phóng to, các pixel cũng sẽ được mở rộng kích thước, gây ra hiện tượng vỡ ảnh, chất lượng ảnh Raster vì thế cũng bị giảm sút theo. 

Ngược lại, ảnh Vector sẽ không bị giảm chất lượng dù cho bạn có phóng to đến cỡ nào vì bản chất các hình khối trong ảnh Vector được tính toán theo một tỉ lệ nhất định nên không thể dễ dàng bị phá vỡ. 

4.2/ Tính chân thực 

Hình ảnh Raster chắc chắn sẽ nhìn thực tế và độc đáo hơn nhờ vào vô số ô vuông pixel màu sắc kết hợp lại, tạo ra các hiệu ứng đổ bóng, pha màu bắt mắt. 

4.3/ Loại tệp 

Các định dạng phổ biến cho Vector gồm AI, CDR, SVG. Các định dạng phổ biến cho Raster gồm JPG, GIF, PNG, TIFF, BMP, PSD. Cả hai đều hiển thị được ở định dạng EPS và PDF. 

Vector có thể được sử dụng trên các phần mềm Illustrator, CorelDraw, InkScape. Raster lại được sử dụng tại Photoshop và GIMP. 

5/ Vector và Raster trong in ấn

Tuỳ vào mục đích sử dụng để có thể lựa chọn Vector hay Raster vào việc in ấn. 

Nếu như bạn cần in ấn ở nhiều kích thước khác nhau như in logo thương hiệu, poster, standee, backdrop dạng lớn thì Vector sẽ là một lựa chọn hoàn hảo. Nếu như bạn cần in một hình ảnh thực tế (ảnh chụp từ điện thoại hoặc máy ảnh kỹ thuật số) thì nên lựa chọn Raster. 

Tuy nhiên, khi lựa chọn định dạng Raster bạn cần lưu ý một số điều sau: 

  • Chọn định dạng 300ppi để ảnh có chất lượng tốt nhất. 
  • Sử dụng định dạng PNG nếu cần hình ảnh có nền trong suốt. 

Bài viết liên quan