7 ĐỊNH DẠNG FILE THIẾT KẾ PHỔ BIẾN VÀ NHỮNG ĐỊNH DẠNG DÙNG TRONG IN ẤN

Công nghệ thông tin phát triển, các phần mềm chuyên dụng trong việc xử lý hình ảnh, thiết kế đồ hoạ vì thế cũng xuất hiện rất đa dạng, kéo theo sự ra đời của nhiều loại định dạng file thiết kế, mỗi loại định dạng lại có một tính năng và cách sử dụng khác nhau. Nếu bạn là một designer mới vào nghề, chắc chắn bạn sẽ gặp không ít bối rối trong việc làm sao để phân biệt đúng và làm cách nào để sử dụng các định dạng đó một cách hợp lý. 

Qua bài viết dưới đây, hãy cùng Khai Chấn tìm hiểu về 7 định dạng file thiết kế thường gặp, đặc điểm của từng định dạng và loại định dạng nào được sử dụng trong công nghệ in ấn nhé!

(ảnh: bienquangcaohn.net)

1/ Định dạng JPG/JPEG

JPG hoặc JPEG là viết tắt của Joint Photographic Experts Group, là định dạng ảnh 16 bit, được kết hợp từ 3 màu cơ bản là xanh dương, xanh lá và đỏ để hiển thị hàng hiệu màu sắc cho các bức ảnh. 

Đặc điểm của file JPG: 

  • Thường được dùng để hiển thị trên các thiết bị điện tử hoặc các phương tiện truyền thông. 
  • Khả năng nén dung lượng ảnh khá tốt nhưng ảnh sẽ bị giảm chất lượng khá nhiều. 
  • Không hỗ trợ hình ảnh không nền. 
  • Không sử dụng trong in ấn, trừ khi đó là hình ảnh chất lượng cao và in ra với chất lượng nhỏ (ví dụ như rửa ảnh, in tài liệu màu) 

2/ Định dạng PNG

PNG là viết tắt của Portable Network Graphics. File PNG có dung lượng khá lớn nên thường không được sử dụng phổ biến trên các website. 

Đặc điểm của file PNG: 

  • Thường được dùng để hiển thị trên các phương tiện truyền thông, trong thiết kế đồ hoạ và hình ảnh có văn bản. 
  • Chất lượng ảnh được giữ nguyên khi nén. 
  • Có hỗ trợ hình ảnh không nền. 
  • Không sử dụng cho in ấn. 

3/ Định dạng PSD

PSD là Power Spectral Density hoặc là từ viết tắt bởi chính phần mềm tạo ra nó là Photoshop Document. Đây là một tệp được lưu dưới dạng các lớp layer cho phép người dùng có thể làm việc với chúng dù tệp đã được lưu. Khi người dùng đã chỉnh sửa đến một mức nhất định, photoshop cho phép họ ghép các lớp lại với nhau và chuyển thành các định dạng khác để sử dụng. 

Đặc điểm của file PSD: 

  • Chuyên dùng để chỉnh sửa hình ảnh, thiết kế bằng Photoshop với các công cụ chuyên biệt như layers, mask, actions, filters… 
  • Vì được xây dựng trên nền tảng Raster nên nếu phóng to ảnh vượt quá chất lượng ban đầu sẽ làm giảm chất lượng ảnh. 
  • Không sử dụng cho in ấn và vecto. 
  • Khi lưu dưới file dưới một định dạng khác PSD thì không thể nào chỉnh sửa lại được nữa. Vì vậy hãy tạo một bản sao PSD đề phòng trường hợp cần chỉnh sửa lại sau này. 
(ảnh: bienquangcaohn.net)

4/ Định dạng GIF

GIF là viết tắt của Graphics Interchange Format. Đây là một loại định dạng đã tồn tại từ khá lâu và được sử dụng rất nhiều trên mạng internet. GIF là một tập tin màu 8bit, đồng nghĩa với việc nó có giới hạn tối đa 256 màu. Những hình ảnh với nhiều tone màu khác nhau khi chuyển đổi sang file GIF thường bị mất màu, vì thế file GIF có dung lượng rất nhỏ. 

Đặc điểm của file GIF: 

  • Là file ảnh động được ưa thích trên mạng xã hội. 
  • Hỗ trợ giảm kích thước tệp và hình ảnh không nền nhưng chất lượng sẽ thấp hơn. 

5/ Định dạng EPS

EPS là từ viết tắt của Encapsulated Post Script. Đây là một định dạng file để lưu các sản phẩm về đồ họa như logo, các bản vẽ, hình ảnh minh họa dưới dạng vector.

Đặc điểm của file EPS: 

  • Được sử dụng cho các biểu tượng và hình ảnh minh hoạ dưới dạng vecto. 
  • Không giảm chất lượng khi phóng to ảnh. 
  • Có thể chuyển đổi sang các định dạng khác bởi các phần mềm Adobe Illustrator, Photoshop…
  • Có thể dùng trong in ấn, không dùng để hiển thị online. 

6/ Định dạng PDF

PDF là viết tắt của Portable Document Format, đây là một định dạng rất phổ biến trong in ấn của hãng Adobe. PDF có khả năng chứa hình ảnh và văn bản text…dưới dạng hình ảnh. Đặc biệt, file PDF không bị thay đổi hiển thị dù được mở trên điện thoại hay màn hình máy tính.

Đặc điểm của file PDF:

  • File PDF có kích thước khá nhỏ nên có thể dễ dàng chia sẻ tài liệu mà lại không bị giảm chất lượng hay thay đổi thiết kế. 
  • Không bị giảm chất lượng khi tăng giảm kích thước. 
  • Có thể sử dụng để hiển thị, lưu trữ online. 
  • Rất thích hợp cho việc in ấn.
(ảnh: bienquangcaohn.net)

7/ Định dạng AI 

AI là định dạng được tạo ra bởi phần mềm thiết kế Adobe Illustrator. Đây cũng là một định dạng file đồ họa vector như EPS nên có khả năng phóng to thu nhỏ tùy ý mà không ảnh hướng tới chất lượng sản phẩm.

Đặc điểm của file AI: 

  • Chuyên dùng để thiết kế đồ hoạ, ấn phẩm. 
  • Không bị giảm chất lượng khi tăng giảm kích thước. 
  • Không dùng cho hiển thị online hoặc các phương tiện truyền thông. 
  • File AI thường khá nặng nên thường được chuyển thành file EPS hoặc PDF để in ấn. 
  • Ngoài ra, định dạng AI còn có thể mở trong các phần mềm làm phim, 3D như After Effects, Cinema 4D, Maya…

Bài viết liên quan